Có khá nhiều hành vi thể hiện sự thao túng tâm lý dù vô tình hay cố ý cũng để lại những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người bị nghe. Hãy cùng tìm hiểu 5 hành vi thường thấy nhất dưới đây nhé.
1. Hạ thấp đối phương (Downplaying)
Một hành vi hay thường thấy trong cuộc sống mà hầu như ít nhất một lần tự chúng ta cũng từng trải qua. Một ai đó vì không thể chấp nhận việc người khác hạnh phúc, thành đạt và được nhiều điều tốt đẹp hơn, nên họ thường cố tình hạ thấp bạn, không công nhận những sự cố gắng của bạn để có được thành quả tốt hơn họ.
Bản chất là họ thiếu tự tin về bản thân, nên thường sinh ra ghen tị với người khác dù trong bất kỳ vấn đề gì, sẵn lòng chê bai những nỗ lực của bạn chỉ để xoa dịu đi cảm giác tự ti của họ mà thôi. Những câu nói hay thấy ở hành vi thao túng tâm lý bằng hình thức hạ thấp đối phương là “Có gì đâu mà tự hào”, “Chỉ ăn may mới được thế”, “Cái đó bình thường mà”, “Chỉ là siêng nên mới được thế chứ cũng không thông minh gì”,… để làm giảm đi độ khó của thành quả bạn đạt được.
Chung quy lại, họ đang cố tình thao túng tâm lý của bạn để che lấp đi những hào quang mà bạn có, họ chỉ muốn kéo bạn xuống ở mức bằng với họ.

2. Bịa đặt và điều khiển nhận thức (Gaslighting)
Gaslight được bắt nguồn từ vở kịch cùng tên năm 1983 và được sử dụng để nói về một hành vi điều khiển, lạm dụng nhận thức của người khác. Trong hành vi này, người bạo hành sẽ sử dụng những thủ thuật để điều khiển nhận thức của người khác một cách từ từ, để nạn nhân dần cảm thấy bản thân nghi ngờ và sợ hãi về những gì mình nghe được, thấy được có thể chỉ là ảo tưởng.
Về mục đích cuối cùng của Gaslight là thao túng tâm lý người khác bằng hình thức bịa đặt sự thật, sửa chữa và ghi đè lên nhận thức của nạn nhân những gì họ muốn nạn nhân biết. Gaslight thường diễn ra trong thời gian dài, với những điều tưởng chừng như vô hại, nhưng lặp đi lặp lại lâu dần, sẽ dễ khiến nạn nhân mất khả năng nhận thức về điều gì thực sự đang xảy ra. Chính vì cảm giác hoang mang, lo lắng đó, nạn nhân sẽ trở nên mất tin tưởng vào bản thân họ, bị phụ thuộc ý thức vào người bạo hành, khi đó, người bạo hành sẽ có quyền lực hơn trong việc kiểm soát nạn nhân, khiến nạn nhân khó từ bỏ họ hơn.

3. Chỉ trích cá nhân (Personalizing criticism)
Chỉ trích cá nhân là một hành vi thao túng tâm lý thường hay xảy ra trong đời sống chúng ta, đặc biệt trong mối quan hệ gia đình. Cha mẹ thường hay chỉ trích con cái từ những lỗi nhỏ nhặt nhất, để cho con biết cái sai của mình nhưng lâu dần, những hành vi này rất dễ khiến tinh thần con cái bị tổn thương.
Ngoài ra, những hành vi được cho là cố tình làm bẽ mặt chúng ta, khiến ta trở nên nhụt chí bằng việc liệt kê những lỗi nhỏ, những điểm yếu cá nhân hay thậm chí là những sai lầm trong quá khứ. Đây chính là hành vi chỉ trích cá nhân nhằm mục đích thao túng tâm lý của chúng ta, để dễ dàng sai khiến chúng ta trong tương lai vì những cảm giác tồi tệ chúng ta có.

4. Đổ lỗi cho người khác (Scapegoating)
Đổ lỗi cho người khác là một trong những hành vi thường thấy có những người hay thao túng tâm lý. Với hành vi này, người thao túng đổ lỗi cho một người, một nhóm người những lỗi vô cớ mà bản thân những người đó không phạm phải, để tránh tội hay làm điều không tốt.
Đổ lỗi cho người vô tội đôi khi thật khó với nhiều người nhưng lại rất dễ dàng với người thao túng. Họ chỉ nhằm mục đích thoát tội cho bản thân nên thường tìm mọi cách, mọi lý luận tốt nhất để khiến bạn cảm thấy lỗi đó chính là của bạn, và bạn phải nhận trách nhiệm cho điều đó. Những kẻ như thế thường sẽ không quan tâm đến những tổn thương mà người bị đổ lỗi gánh chịu, hay có cảm giác áy náy vì điều đó.
Hành vi này thường hay xảy ra ở một số môi trường làm việc, công sở, khi những người trẻ, mới vô nghề thường sẽ là người bị đổ lỗi cho những sai phạm mà một người làm việc lâu năm hơn làm ra. Người hiểu việc này thường sẽ tìm cách giao việc, đùn đẩy trách nhiệm cho nhân viên mới để họ thoát khỏi thất bại đó. Điều đó thường để lại cảm giác ấm ức của những nhân viên mới khi họ phát hiện ra.

5. Lảng tránh trong giao tiếp (Stonewalling)
Lảng tránh trong giao tiếp là hành động xảy ra khi đang trong một cuộc cãi vã vì bất đồng quan điểm hoặc nhiều lý do khác nhau, một người trong cuộc cãi vã đó thường thu mình lại, im lặng không muốn giải thích hay làm rõ vấn đề thêm. Thường việc im lặng này có thể khiến đối phương bỗng nhiên phải suy nghĩ về thái độ của người kia.
Trên thực tế, có nhiều người cảm thấy im lặng vì bản thân không thể bộc lộ cảm xúc thêm hoặc không muốn tranh cãi, mở lòng thêm nữa. Nhưng có nhiều người sẽ lạm dụng việc lảng tránh này để có thể thao túng tâm lý đối phương. Bằng cách lảng tránh, giữ im lặng, họ biết bạn sẽ thay đổi cách suy nghĩ, thái độ đối xử và cách nhìn nhận họ khác đi sau nhiều lần lảng tránh. Từ đó, họ dùng hành vi này để không cần chịu trách nhiệm cho những vấn đề sai trái hay hành động của họ trước bạn với những câu nói như “Sao cũng được”, “Thôi thì tùy bạn”, “Tin hay không cũng được”,…
