Beach 5156923 1920

Khám phá những địa điểm lịch sử ở Vũng Tàu

Beach 5156923 1920

Khám phá những địa điểm lịch sử ở Vũng Tàu

Vũng Tàu luôn làm xao xuyến lòng người bởi những bãi biển quyến rũ trải dài, dang tay ôm trọn thành phố biển xinh đẹp và cả những danh thắng, địa điểm tham quan cực kỳ thú vị mang đậm nét đẹp lịch sử để nhắc nhở con cháu mãi về niềm tự hào dân tộc của một thời hào khí anh hùng sục sôi trong dòng máu, trong hơi thở của đồng bào ta những ngày khó khăn gian khổ.

1. Nhà Tù Côn Đảo

Nhà tù Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) được ví như là “Trường học Cộng sản” – nơi rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nơi đây đã giam cầm và thiết lập chế độ tù đày, khổ ải cho hơn 20 nghìn chiến sĩ cách mạng kiên trung, họ đã bị bọn cai ngục sử dụng đủ mánh khóe, miếng đòn để tra tấn, bạo hành nhưng không hề nao núng tinh thần, nhụt chí.

Ngày 1/2/1862, Thống đốc Bonard ở Nam Kỳ ký quyết định thành lập Nhà tù Côn Đảo. Chính quyền thực dân Pháp và Việt Nam Cộng hòa đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập (hay còn gọi là chuồng cọp) tại Côn Đảo. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể. Năm 1979, Khu di tích lịch sử Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích quốc gia, với 17 di tích thành phần. Ngoài ra nhà tù Côn Đảo còn có các hạng mục phụ như câu lạc bộ, nhà bếp, giảng đường, nhà nguyện. Những công trình phụ này được xây dựng nhằm mục đích che mắt báo chí ngày xưa.

Sau khi được giải phóng, quá khứ đau thương như đám mây đen bao trùm Côn Đảo đã xua tan đi phần nhiều để trả lại một Côn Đảo quyến rũ, hoang sơ. Và nhà tù Côn Đảo đã đi vào lòng người với nỗi đau khôn nguôi, day dứt tận cõi lòng, cũng khơi dậy niềm tự hào của dân tộc bởi không gì có thể khuất phục được lòng yêu nước, niềm tin yêu vào Đảng, Bác Hồ và niềm tin tất thắng của Cách mạng Việt Nam trong mỗi người chiến sĩ Cộng sản.

2. Núi Đất

Từ năm 1962 đến năm 1972, Núi Đất là nơi đóng quân của Chiến đoàn 2 thuộc Quân đội Hoàng gia Úc và đơn vị pháo binh Newzealand (dân địa phương thường gọi vui là dàn nhạc Tân Tây Lan). Căn cứ Núi Đất có sân bay dã chiến, thể hiện 1 tầm nhìn chiến lược lợi hại. Địa bàn hoạt động của quân Úc trải dài từ Bình Ba, Suối Nghệ, Hòa Long, Long Phước đến Long Tân. Những người lính Úc nổi tiếng với lối đánh du kích rất độc đáo. Nơi đây từng diễn ra trận chiến ác liệt ghi dấu chiến thắng của quân đội ta trong chiến tranh những cũng chịu thiệt hại không ít. Các đơn vị quân đội Úc đã mất 500 quân nhân, 3129 người bị thương và 6 mất tích ở chiến trường Việt Nam. Núi Đất cũng là căn cứ của các đơn vị quân đội Hoa Kỳ. Loại pháo tự hành Artillery 175mm M107 nổi tiếng “vua chiến trường” cũng được bố trí tại đây

Đến đây,du khách thường được tham quan và tìm hiểu lịch sử thông qua khu di tích lịch sử và các địa danh: thánh giá Long Tân, Địa đạo Long Phước, Núi Đất, Đồi Móng Ngựa và trại trẻ mồ côi Bà Rịa.

3. Khu căn cứ Minh Đạm

Minh Đạm là dãy núi thấp, đâm ngang ra biển, trải qua địa phận các xã Tam Phước, Phước Hưng, thị trấn Long Hải (huyện Long Điền), Phước Hải, Long Mỹ (huyện Đất Đỏ). Địa thế núi phức tạp, hiểm trở, có đến hơn 300 hang động lớn nhỏ, kiên cố, ăn sâu vào lòng núi. Nhờ đó, trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Minh Đạm trở thành căn cứ cách mạng vững chắc của quân dân ta.

Con đường vào điểm du lịch này thật thơ mộng, một bên đường là rừng núi thoai thoải, một bên là thung lũng cây xanh, xa xa phía dưới là bãi cát trắng uốn lượn ven biển, để du khách thỏa thích thả hồn vào khí trời mát mẻ của bãi biển Thùy Dương xinh đẹp, tạo một cảm giác thư thái, thoải mái sau những bộn bề của cuộc sống. Đến đây, du khách sẽ có cơ hội tham quan nhiều nơi lý thú, đặt chân vào những hang đá xưa kia từng là nơi làm việc, sinh hoạt của cán bộ, quân dân Bà Rịa – Vũng Tàu với bốn khu vực chính và còn lưu giữ lại những dấu tích thuở xưa và được học một vài kỹ năng thú vị như tạo ra lửa bằng củi khô và mùn cưa, cách nấu cơm trong ống tre, kỹ năng leo trèo… Đứng ở độ cao lý tưởng, du khách có thể phóng tầm nhìn ra biển cả mênh mông, sông núi hùng vĩ và càng thích thú hơn nữa là những dải hoa anh đào trắng, hồng rực rỡ hiện diện trong tầm mắt. Hòa mình vào thiên nhiên giữa cảnh vật đậm chất lịch sử vang bóng một thời này, thật dễ để tìm cảm giác bình yên, tự tại nơi tâm hồn.

Khu căn cứ Minh Đạm là một trong ba khu di tích vinh dự Bộ VH-TTDLngày 18/01/1993 bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

4. Thích Ca Phật Đài

Tọa lạc trên mạn sườn phía Bắc của Núi Lớn, tại số 608 đường Trần Phú, thuộc phường 5, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Thích Ca Phật Đài Vũng Tàu là một khu di tích kiến trúc Phật giáo của phái Nam tông, được khởi công xây dựng từ năm 1957 bởi ông Lê Quang Vinh – quan phủ thời Pháp thuộc, ông bất mãn với chế độ nên đã bỏ lên đây dựng chùa để tu hành. Lúc bấy giờ, Thích Ca Phật Đài Vũng Tàu có tên là Thiền Lâm Tự

Kiến trúc của Thích Ca Phật Đài có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc tôn giáo và phong cảnh thiên nhiên. Toàn bộ khuôn viên Thích Ca Phật Đài như một vầng trăng khuyết chia thành ba cấp theo hình tháp, cao dần từ 3 m đến 29 m so với mực nước biển. Cấp 1 là Tam quan và khu vườn hoa. Cấp 2 là khu nhà mát và nhà trưng bày truyền thống. Cấp 3 là Thiền Lâm tự và khu Phật tích – khu Vườn tượng với nhiều công trình điêu khắc dựa theo sự tích về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca (từ khi ra đời đến khi nhập cõi Niết Bàn), trong đó nổi bật nhất là tượng Kim Phật Tổ cao hơn 10m, bên trong có 16 viên xá lợi của Đức Phật.

Đến đây, du khách chiêm ngưỡng được vẻ đẹp độc đáo về kiến trúc cũng như những nét đẹp tâm linh vô cùng quý giá. Từ vị trí của Thích Ca Phật Đài, khách du lịch Vũng Tàu có thể ngắm nhìn những vẻ đẹp chung quanh sườn núi Lớn, vẻ đẹp của biển Vũng Tàu.

5. Địa đạo Kim Long

Địa đạo Kim Long (thôn Tam Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) được hình thành ngay trong lòng địch chiếm đóng từ năm 1962. Địa đạo là minh chứng hùng hồn cho lòng yêu nước, ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm của quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ chiến tranh.

Địa đạo Kim Long được xây dựng từ năm 1962-1964, được xây dựng khá độc đáo, xuyên qua nhà ở, vườn cây ăn trái của hộ dân, có tổng chiều dài 2.000m, nằm sâu trong lòng đất cách mặt đất 5m, lòng rộng 0,8m, có nhiều ngách trú ẩn và 12 miệng lên xuống, đầu địa đạo đắp 3 ụ chiến đấu nối cách nhau theo hình tam giác, mỗi cạnh 10m, xung quanh có lỗ châu mai từ ụ chiến đấu thông với bên ngoài là hào công sự sâu 1,2m. Địa đạo tuy hơi nhỏ song với lối thiết kế tinh tế và thông minh nên bên trong vẫn có đầy đủ các phòng chức năng phục vụ kháng chiến như phòng ở, phòng họp, phòng y tế, kho lương thực, kho vũ khí đến các công sự chiến đấu. Địa đạo được người dân ngày đêm đào và xây dựng, dù trải qua những trận mưa bom nhưng nơi đây luôn vững chắc để bảo vệ chiến sỹ cách mạng.

Địa đạo Kim Long là chứng tích lịch sử khẳng định tinh thần ý chí chiến đấu dũng cảm ngoan cường một lòng theo Đảng, Bác Hồ của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

6. Cảng Cầu Đá Vũng Tàu

Được xây dựng vào năm 1986, cảng Cầu Đá được xây dựng với mục đích phục vụ chủ yếu cho quân sự. Ngoài ra, nơi đây còn là điểm đỗ của tàu thuyền đến để bốc xếp hàng hóa. Cảng Cầu Đá là một trong di tích lịch sử của Vũng Tàu đã lấy đi bao mồ hôi, công sức, nước mắt và cả máu của những người tù nhân. Họ đã phải cật lực khuân vác đá để làm nên một công trình này. Trước kia, cảng Cầu Đá Vũng Tàu vốn là một con đê trải dài hơn 400m, chân đê rộng 15m, mặt đê rộng 4m. Được một kỹ sư người Pháp thiết kế, địa điểm du lịch này có bờ kè bằng đá đổ bê tông chạy dài từ phía Bắc núi Nhỏ ra giữa biển và nằm song song với bãi Trước. Chiến tranh qua đi nhưng cảng vẫn là một địa điểm quan trọng ở Vũng Tàu. Không những thế, Cảng Cầu Đá còn sở hữu một vùng biển xanh trong, với không khí dịu nhẹ mang đậm hương vị của biển giúp du khách tận hưởng sự mát lành của những cơn gió và hòa cùng với vẻ đẹp giữa công trình kiến trúc cổ xưa và thiên nhiên bất tận.

7. Trận địa pháo cổ Vũng Tàu

Từ những năm cuối thế kỷ 19, người Pháp đã rất quan tâm đến việc phòng thủ bảo vệ Vũng Tàu – vùng đất vừa là pháo đài hướng biển, cửa ngõ chiển lược của khu vực Đông Nam Bộ, vừa là nơi nghỉ mát và dưỡng bệnh hàng đầu của người Pháp tại Đông Dương. Với vai trò chiến lược của Vũng Tàu đối với toàn khu vực Đông Nam Bộ hay nói rộng hơn là toàn bộ khu vực miền Nam Đông Dương, từ năm 1895, một trận địa pháo phòng thủ bờ biển lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ trên các ngọn núi tại Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) được thiết lập với ba trận địa pháo lớn: trận địa núi Tao Phùng (núi Nhỏ), núi Lớn, Cầu Đá gồm 23 khẩu trọng pháo từ 140 ly đến 300 ly.

Trong đó, trận địa pháo ở núi Lớn gồm 6 khẩu đại pháo, bố trí theo hình vòng cung, mỗi khẩu cách nhau 17,5 m, là trận địa kiên cố nhất. Những khẩu đại pháo núi Lớn đều hướng ra biển Đông. Phía sau mỗi khẩu pháo đều có hầm chứa đạn và hệ thống giao thông hào, liên kết với các cổ pháo khác xung quanh là hệ thống kho đạn và hầm pháo thủ

Trận địa pháo núi Tao Phùng (núi Nhỏ) được xây dựng thành 3 cụm pháo nhỏ. Cụm thứ nhất gồm 3 đại pháo ngay dưới chân tượng Chúa Kitô. Cụm pháo này bao gồm 3 khẩu trọng pháo 240 ly dài 12,33 m có hình dáng giống nhau, ở độ cao 136 m so với mực nước biển. Cụm pháo thứ hai được đặt tại ngọn hải đăng cách cụm pháo thứ nhất 300 mét về hướng Bắc. Khác với cụm pháo thứ nhất, cụm pháo này gồm 5 khẩu trọng pháo 300 li được bố trí thành hai ụ – một ụ 2 khẩu và một ụ 3 khẩu. Hiện nay, cụm pháo này chỉ còn lại 4 khẩu pháo bởi 1 khẩu pháo đã được di chuyển về Bạch Dinh trưng bày. Cụm pháo thứ 3 được đặt tại tịnh xá Ngọc Bích, cách cụm pháo thứ hai 300 mét, so với hai cụm pháo còn lại, cụm pháo này nhỏ hơn với 3 khẩu pháo có kích thước 140 li.

Là một dấu ấn của lịch sử, một dấu ấn của người Pháp tại Việt Nam, đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử nhưng những khẩu pháo vĩ đại này vẫn còn tồn tại với thời gian mạnh mẽ không hư hại nhiều, trận địa pháo cổ Vũng Tàu xứng đáng là một địa điểm tham quan không nên bỏ qua tại thành phố biển Vũng Tàu xinh đẹp này.

bài viết liên quan

bài viết liên quan